Cơm rượu là gì?
Cơm rượu là rượu cái được chế biến bằng cách lên men từ các loại cơm nếp. Gạo nếp đem nấu chín, sau đó để nguội và ủ với men rượu trong 3-4 ngày cho lên men và tạo nước. Thành phẩm là món cơm rượu có mùi thơm nồng đặc trưng của rượu, cho vị cay nồng, ngọt và những viên cơm nếp mềm dẻo hay những hạt cơm thấm đẫm men rượu ngọt ngào.
Trong nền văn hoá ẩm thực Việt Nam, cơm rượu là món ăn đặc trưng trong dịp Tết Đoan ngọ, tuy nhiên, ở 3 miền đất nước cơm rượu sẽ có những đặc trưng riêng như:
Miền Bắc: phần lớn mọi người sử dụng nếp cẩm làm nguyên liệu chính cho cơm rượu. Từ nếp cẩm, ở mỗi gia đình sẽ có những cách làm cơm rượu nếp cẩm riêng với công thức đặc biệt mang theo hương vị đặc trưng của miền Bắc. Tuy nhiên cũng có nhiều nơi sử dụng nguyên liệu khác, nhưng phần chung đều có vị ngọt cay cay lan đều cơ thể khi ăn mang cảm giác khoan khoái dễ chịu.
Miền Trung: Một đặc trưng thường thấy của cơm rượu miền Trung truyền thống là những miếng nhỏ hình vuông và được làm bằng phương pháp lên men cổ truyền. Ở nhiều nơi cơm rượu miền Trung sẽ lựa chọn nếp ngỗng để làm và những cục cơm rượu sẽ khá to và dày, phàn nào thể hiện tính ách thích "chặt to kho mặn" của người dân nơi đây. Đặc biệt, cơm rượu sẽ được gói trong lá chuối tươi, để ăn chỉ cần bóc là chuối và thưởng thức như món bánh thơm ngon.
Miền Nam: Không như miền Bắc hay Trung, cơm rượu miền Nam phần lớn được làm từ gạo nếp cái hoa vàng. Không để rời cơm như miền Bắc hay vuông vức như miền Trung, cơm rượu Nam Bộ thường được vo thành những viên cơm tròn nhỏ xinh xắn. Ngoài ra, miền Nam thích sự ngọt ngào nên cơm rượu thường được pha với nước đường mang theo hương vị ngọt ngào, cay nồng khi thưởng thức.
Vì sao cơm rượu là món ăn đặc trưng ngày Tết Đoan Ngọ
Ở nước ta, cơm rượu là món ăn truyền thống trong ngày mùng 5/5 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, người xưa cho rằng trong người chúng ta có rất nhiều loài sâu bọ như giun, các loài kí sinh... Cứ đến ngày mùng 5/5 âm lịch, chúng lại tập trung và ngoi lên rất nhiều trong cơ thể, và đây là lúc để tiêu diệt hết bọn chúng.
Cơm rượu lúc ấy được xem là món ăn có hội tụ đầy đủ vị cay nồng của men, nóng, ngọt bùi, chua, đắng để diệt sâu bọ trong cơ thể.Người xưa cho rằng, khi ăn cơm rượu, nhất là khi bụng đói sẽ làm các chú sâu trong bụng dễ "say xẩm" và ngắc ngư. Ngoài ra, một truyền thống tín ngưỡng khác cũng cho rằng, ngày Đoan Ngọ là ngày có nhiều năng lượng tiêu cực, có thể gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, người ta thường ăn những món ăn có tính nóng, như cơm rượu, để giúp cơ thể kháng lại những tác động tiêu cực đó.
Không chỉ dừng lại ở việc đem tẩy trừ những điều không tốt, cơm rượu còn có ý nghĩa kết nối gia đình và tăng cường tình cảm thân tình giữa các thành viên. Đây là một dịp để gia đình quây quần bên nhau, thưởng thức món ăn truyền thống và cùng nhau chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống.
Với những ý nghĩa tâm linh và văn hóa đặc biệt này, cơm rượu đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ, là sự kết hợp giữa tín ngưỡng và văn hoá ẩm thực của người Việt Nam.